NHỮNG THÀNH PHẦN CHÍNH TRONG RƯỢU VANG VÀ MÓN ĂN

Mùa mưa ngâu tháng 7 đã tới với nhũng cơn mưa dai dẳng, những cơn mưa xối xả, nhũng cơn mưa trắng trời, trắng đất và nhũng đêm thao thức trong một nỗi buồn day dứt vầ những trăn trở về kiếp nhân sinh… Tuy nhiên, đây cũng là thời gian để các bà nội trợ đảm đang chuẩn bị những bữa ăn tuyệt vời của tiết thu, và đồng hành cùng những bữa ăn đó, đấng mày râu cũng mở lòng với những chai rượu vang tuyệt vời đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Để giúp bạn tránh phạm sai lầm trong việc kết hợp rượu vang và món ăn, chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm hàng chục năm làm Chuyên gia Thử nếm và Phục vụ Rượu vang với các bạn…

Điều đầu tiên chúng ta cần biết, đó là nguyên lý của việc kết hợp Rượu vang với món ăn

Rượu vang, về cơ bản, được phân loại theo màu sắc, và vì thế, sẽ có 3 loại rượu vang là vang trắng, vang hồng và vang đỏ.
Thành phần chủ yếu của vang trắng là a xít chua, độ ngọt của hoa quả, và độ cồn. A xít chua được ví như cột sống của rượu vang trắng và được chia thành 4 cấp độ: khá nhẹ nhàng, trung bình, mạnh và thậm chí rất mạnh.
Thành phần chủ yếu của rượu vang hồng là a xít chua, độ ngọt của hoa quả, độ cồn và chất chát (tannin) ở mức độ khá nhẹ nhàng. Trái với rượu vang trắng, cả a xít chua và chất tannin đều có thể được coi là cột sống của loại rượu vang này, tuy a xít chua chiếm thế thượng phong. Đó cũng là lý do giải thích tại sao tất cả các loại rượu vang hồng đều phải được phục vụ ở nhiệt độ mát, gần như đối với rượu vang trắng (8-12 độ C).
Thành phần chủ yếu của rượu vang đỏ là a xít chua, độ ngọt của hoa quả, độ cồn và chất chát (tannin). Chất tannin được ví như cột sống của rượu vang đỏ và được chia thành 4 cấp độ: khá nhẹ nhàng, trung bình, mạnh và thậm chí rất mạnh. Đây cũng là loại rượu vang có cấu trúc chặt chẽ nhất, như 1 chiếc kiềng 3 chân và có thể song hành cùng những loại thức ăn có cấu trúc săn chắc, thậm chí nặng mùi như các loại chim, thú rừng và các loại pho mai cứng.

Các món ăn, dù là hải sản, thịt trắng, thịt đỏ hay thịt thú rừng, đều có hương vị riêng, nhưng 5 hương vị cơ bản của món ăn sẽ là:

1- Ngọt
2- Mặn
3- Chua
4- Chát hoặc đắng
5- Umami: một từ tiếng Nhật, có nghĩa là món ngon. Hương vị umami được tìm thấy trong thịt hoặc nấm. Nó thường được so sánh với hương vị của mì chính hoặc nước tương.

Nghệ thuật của việc kết hợp Rượu vang và Món ăn là phải tìm hiểu và biết rõ:

1- Axit chua kết hợp với vị đắng sẽ làm tăng thêm vị đắng
2- Vị chát (tannin) cũng làm tăng thêm vị a xít chua
3- A xít chua làm giảm vị ngọt và ngược lại
4- Vị ngọt làm giảm vị đắng và ngược lại
Tuy nhiên, trong việc kết hợp Rượu vang và Món ăn, quyết định chọn loại rượu nào đi kèm với món ăn thường là một lựa chọn cá nhân. Chúng tôi chỉ đưa ra ở đây một số lời khuyên để đạt được sự phối hợp hài hòa giữa Rượu vang và Món ăn. Trên thực tế, sẽ không thể có một sự kết hợp hoàn hảo nhất, vì sự lựa chọn hoàn hảo ấy sẽ dành cho ai, với thực tế là mỗi cá nhân trong một bàn tiệc sẽ có khẩu vị ẩm thực khác nhau?
(Đón đọc Phần 2 của bài viết này sẽ đề cập tới việc kết hợp Rượu vang và Món ăn, và những định kiến cần phải thay đổi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *